• 0913043690 - 0916028800
  • /
  • vangkimcuong97doican@gmail.com

Vàng lao dốc sau 'cú sốc Trung Quốc' và Mỹ cứng rắn: 'Cá mập' sẽ mua b

Vàng lao dốc sau 'cú sốc Trung Quốc' và Mỹ cứng rắn: 'Cá mập' sẽ mua bán ra sao?

19/06/2024

Sau cú sốc Trung Quốc ngừng mua và nước Mỹ thận trọng với lạm phát, giá vàng lao dốc về ngưỡng 2.300 USD/ounce. Hoạt động mua bán của các "cá mập" - ngân hàng trung ương các nước - sẽ ra sao trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô lên cao?

Sau khi đạt đỉnh 2.450 USD/ounce vào ngày 20/5, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới lao dốc mạnh. Cùng với sự trì hoãn cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) do thận trọng với lạm phát, giá vàng đã về ngưỡng 2.310-2.330 USD/ounce trong những ngày qua.

Trên thực tế, cú sốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngừng mua vàng trong tháng 5 sau khi có 18 tháng mua ròng liên tiếp trước đó đã tác động mạnh tới tâm lý của giới đầu tư vàng trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, sức cầu đối với mặt hàng kim loại quý được dự báo vẫn sẽ ở mức cao và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, đến từ các "cá mập" là ngân hàng trung ương các nước.

Trong một báo cáo vừa được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố, nhiều ngân hàng trung ương đang có kế hoạch bổ sung vàng vào dự trữ ngoại hối trong vòng 12 tháng tới, do sự bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô đang diễn ra. Các nước sẽ tiếp tục mua vàng ngay cả khi giá vàng tăng cao.

Theo khảo sát của WGC, có 29% trong tổng cộng 70 ngân hàng trung ương các nước kỳ vọng sẽ tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới, cao hơn so với mức 24% được thực hiện trong năm 2023.

29% cũng là mức cao nhất kể từ khi WGC bắt đầu cuộc khảo sát vào năm 2018.

 

vangdutrungoaihoi Kitco.gif Các nước đẩy mạnh đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Ảnh: KC

Theo WGC, sở dĩ các nước đẩy mạnh mua vàng bởi lo ngại về rủi ro khủng hoảng cũng như lạm phát gia tăng.

Cũng theo kết quả khảo sát, có tới 81% ngân hàng trung ương tham gia khảo sát cho rằng dự kiến dự trữ vàng của ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ tăng trong 12 tháng tới. Con số này cao hơn so với mức 71% được thực hiện một năm trước.

Khảo sát của WGC được thực hiện 2 tuần sau khi PBOC công bố thông tin cho thấy ngân hàng trung ương của Trung Quốc không mua thêm vàng dự trữ trong tháng 5. Trước đó, PBOC đã có 18 tháng mua ròng vàng liên tiếp.

Thông tin về việc Trung Quốc ngừng mua vàng trong tháng 5 đã gây biến động mạnh trên thị trường vàng quốc tế. Giá vàng đã giảm rất sâu.

Tuy nhiên, theo WGC, các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc giảm mua vàng thì mối quan tâm đối với mặt hàng kim loại quý vẫn rất lớn, giữa lúc các nước đẩy mạnh đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới gia tăng.

Các nước cũng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khi vai trò của đồng USD suy giảm với vị trí một đồng tiền dự trữ trên thế giới. WGC cho biết, có tới 62% các ngân hàng trung ương cho rằng vai trò của đồng USD sẽ giảm dần trong 5 năm tới. Trong năm 2023, có 55% ngân hàng trung ương tin tương như vậy, còn năm 2022 con số là 42%.

Bên cạnh việc Trung Quốc dừng mua, vàng còn chịu áp lực từ một đồng USD còn treo cao khi Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất do lo ngại lạm phát tăng trở lại.

Về ngắn hạn, vàng được dự báo có thể sẽ diễn biến tiêu cực theo những quyết định chống lạm phát cứng rắn của Mỹ. Tuy nhiên, Fed dự kiến vẫn sẽ có 1 lần hạ lãi suất trong năm nay, và 4 lần trong năm 2025. Khi đó đồng USD được dự báo giảm nhanh và vàng có thể leo thang.

Biến động của giá vàng cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ vào tháng 11 tới. Quan điểm của ông chủ Nhà Trắng sẽ quyết định nhiều tới các vấn đề quốc tế.

TAGS :

viết bình luận của bạn