• 0913043690 - 0916028800
  • /
  • vangkimcuong97doican@gmail.com

Trung Quốc ngừng mua vàng: Cú phanh gấp dìm giá vàng rớt thảm, xu hướn

Trung Quốc ngừng mua vàng: Cú phanh gấp dìm giá vàng rớt thảm, xu hướng ra sao?

08/06/2024

Giá vàng thế giới rớt mạnh, mất khoảng 50 USD mỗi ounce sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố không mua vàng trong tháng 5, chấm dứt 18 tháng mua ròng liên tiếp - yếu tố được cho là kéo vàng lên cao kỷ lục.

Cú sốc ngừng mua từ PBOC

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 7/6 cho biết, ngân hàng này không mua vàng trong tháng 5 vừa qua.

Đây là một thông tin gây biến động mạnh trên thị trường vàng quốc tế.

Cuối giờ chiều 7/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay lập tức giảm khoảng 50 USD (tương đương mức giảm 2,1%), từ 2.385 USD/ounce vài tiếng trước đó xuống còn 2.335 USD/ounce (tương đương 72,3 triệu đồng/lượng).

PBOC ngừng mua vàng trong tháng 5 sau khi mua ròng 18 tháng liên tiếp trước đó. Đây cũng được xem là nguyên nhân kéo giá vàng quốc tế tăng thêm khoảng 28%, từ mức 1.824 USD/ounce vào đầu năm 2023 lên 2.335 USD/ounce như hiện tại.

Vàng giảm mạnh trong phiên cuối tuần bất chấp đồng USD gần như đi ngang.

Điều này chứng tỏ giới đầu tư chịu tác động rất nhiều từ thông tin hoạt động mua vàng của Trung Quốc. Những quyết định mua - bán vàng của PBOC được xem là yếu tố tác động lớn tới giá của mặt hàng kim loại quý.

Trong tháng 4, giá vàng thế giới giao ngay đã lập kỷ lục 2.450 USD/ounce trong bối cảnh các ngân hàng trung ương gom mua mạnh mẽ.

Cụ thể, tháng 4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mua thêm 60.000 ounce vàng (tương đương khoảng 1,87 tấn), đưa tổng dự trữ lên 2.264 tấn. Trước đó, trong tháng 3, PBOC mua 160.000 ounce và tháng 2 là 390.000 ounce (12,1 tấn).

 

giavangMinhHien22 OK.gif Trung Quốc bất ngờ dừng mua vàng trong tháng 5 khiến giá vàng thế giới giảm mạnh. Ảnh: HH

Trong năm 2023, PBOC là khách hàng mua vàng chính thức lớn nhất châu Á, với 224,9 tấn. 

Khối lượng giao dịch vàng trên các sàn của Trung Quốc cũng tăng mạnh, cao nhất trong 5 năm. 

Mặc dù giảm nhưng giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á tính tới cuối ngày 7/6 vẫn cao hơn đầu năm khoảng 272 USD, tương đương cao hơn 13,2%.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia dự báo nhu cầu vàng của Trung Quốc vẫn ở ngưỡng cao. Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào USD trong thương mại toàn cầu. Nước này đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh của Mỹ cũng như đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.

Năm qua, người dân Trung Quốc đẩy mạnh mua vàng và gặp khó do cung khan hiếm. Giá vàng cũng ghi nhận chênh lệch cao hơn giá thế giới quy đổi. 

Vàng ước tính đang chiếm 5-6% dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, tăng gấp 3 lần so với năm 2015 do PBOC đẩy mạnh bán trái phiếu Mỹ và đổi qua mua vàng. Ở Việt Nam, con số này khoảng 0,5-0,7%.

Giá vàng thế giới sẽ ra sao?

Việc PBOC ngừng mua vàng trong tháng 5 ngay lập tức kéo giá vàng giảm sâu. Tuy nhiên, vàng vẫn được xem là loại tài sản tốt khi bất ổn địa chính trị chưa có dấu hiệu suy giảm, lạm phát đang quay trở lại ở nhiều nước, các ngân hàng trung ương lớn đang đảo chiều chính sách tiền tệ và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vẫn tính giảm sự phụ thuộc vào đồng USD của Mỹ.

Trên Kitco, các nhà phân tích tại Metals Focus cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn trong nửa cuối năm nay. Một kỷ lục mới có thể được thiết lập.

Giám đốc mảng kinh doanh vàng và bạc tại Metals Focus Neil Meader dự báo, giá vàng sẽ đạt mức cao mới mọi thời đại.

Theo Neil Meader, trên thực tế, mức đỉnh 2.450 USD gần đây thấp hơn so với mức đỉnh năm 1980. Nếu quy đổi theo giá ngày nay, giá vàng năm 1980 có thể ở mức 3.000 USD (tương đương khoảng 92,5 triệu đồng/lượng).

Hôm 6/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần đầu tiên trong 5 năm cắt giảm lãi suất tiền gửi từ 4% xuống 3,75%/năm. Trước đó một ngày, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cắt giảm lãi suất chính sách từ 5% xuống 4,75%. Tháng 3, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng đã cắt giảm lãi suất.

Có thể thấy, một xu hướng đang ngày càng rõ nét. Đó là sự thay đổi chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương lớn. Nhiều khả năng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất, có thể vào tháng 9 tới.

Hiện tại, lạm phát ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu vẫn cao hơn so với mục tiêu 2%. Việc cắt giảm lãi suất có thể kéo lạm phát gia tăng, trong khi đồng USD suy giảm. Đây là môi trường thuận lợi cho vàng tăng giá.

Dù vậy, trước mắt, thị trường vàng chịu áp lực rất lớn từ thông tin PBOC của Trung Quốc ngừng mua vàng. Giới đầu tư không biết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hành động ra sao trong tháng 6 và các tháng tới.

Hoạt động bán chốt lời, bán cắt lỗ,... có thể kéo giá vàng giảm sâu hơn nữa, trong ngắn hạn.

Ngoài ra, cũng chưa rõ Fed sẽ cắt giảm lãi suất khi nào. Từ nay tới thời điểm đó, đồng USD có thể vẫn treo cao.

Mùa hè năm nay vẫn có thể là khoảng thời gian không mấy tích cực đối với mặt hàng kim loại quý. Tới mùa thu và mùa xuân, tình thế phụ thuộc vào sức khỏe nền kinh tế Mỹ, quan điểm chính sách tiền tệ của Fed và giờ đây thêm yếu tố Trung Quốc có còn mua vàng hay không? Cú phanh gấp của PBOC là một quyết định tạm dừng mua vàng hay chính sách mới của Bắc Kinh?

Trong nước, giá vàng miếng SJC giảm mạnh kể từ đầu tháng 6 sau khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức bán vàng cho người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC.

Giá vàng miếng SJC do các ngân hàng bán ra đã giảm từ ngưỡng 81 triệu đồng/lượng (giá bán) về 76,98 triệu đồng/lượng tính tới 7/6, thấp hơn nhiều so với đỉnh 92,5 triệu đồng/lượng ghi nhận hôm 10/5. Mức chênh với thế giới chỉ còn 4,7 triệu đồng/lượng.

Những người đu đỉnh mua vào lúc giá cao nhất 92,5 triệu đồng đã chịu lỗ tới hơn 17 triệu đồng/lượng do giá mua vào của các tiệm vàng hiện chỉ còn 75 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC. 

TAGS :

viết bình luận của bạn