PHỤ NỮ NÉT ĐẸP CỦA MỌI THỜI ĐẠI
PHỤ NỮ NÉT ĐẸP CỦA MỌI THỜI ĐẠI
28/02/2021
Trải nghiệm “Đêm linh thiêng 2 - Sống như những đóa hoa” được bắt đầu bằng cánh cửa di tích Nhà tù Hỏa Lò mở ra, với mầu đen mịt mùng của bóng đêm. Để khách tham quan có trải nghiệm chân thực về sự khắc nghiệt của nhà tù xưa, Ban Quản lý di tích đã hạn chế ánh sáng tối đa, đủ để khách nhận ra lối đi. Ánh sáng chỉ hỗ trợ khi cần thiết. Câu chuyện bắt đầu bằng vụ Hà thành đầu độc do những binh lính người Việt Nam và đầu bếp trong quân đội Pháp được giác ngộ tiến hành, là một trong những vụ mưu sát, binh biến nổi tiếng nhất đầu thế kỷ 20. Năm 1908, binh lính yêu nước và đầu bếp đã sử dụng cà độc dược cho vào thức ăn, dự định lợi dụng lính Pháp bị ngộ độc để phối hợp cùng các lực lượng khác tiến công. Cuộc binh biến bất thành. Nhiều người bị bắt. Trong đó, có bà Nhiêu Sáu (tên thật là Nguyễn Thị Ba, người làng Tương Mai, quận Hai Bà Trưng), chủ quán cơm ở phố Cửa Nam. Mật thám Pháp đóng đinh nhọn vào thùng gỗ, rồi nhét bà vào đó và lăn từ phố Cửa Nam về ngục Hỏa Lò. Bị tra tấn dã man, nhưng bà quyết không khai những người yêu nước khác cùng tham gia vụ đầu độc. Không chịu được đòn roi, bà qua đời ngay trong nhà ngục Hỏa Lò. Câu chuyện được kể, kết hợp với những thước phim hình ảnh tư liệu ngay trong khu nhà giam khiến mọi khách tham quan đều xúc động khi nghĩ về người phụ nữ yêu nước.
Câu chuyện về những người phụ nữ kiên trung như: Trương Thị Mỹ (sau này là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Phạm Thị Hoàng Ngân (Bí thư đầu tiên của Trung ương Hội LHPN Việt Nam), Hoàng Thị Ái (Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam)... là sự hòa quyện giữa lòng yêu nước với ngọn lửa cách mạng, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và chỉ ra con đường giải phóng dân tộc. Ngay bên chiếc máy chém của thực dân Pháp, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tái hiện hoạt cảnh về gia đình vợ chồng nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc - Hoàng Thị Ái. Vì điều kiện công tác, đồng chí Hoàng Thị Ái phải tạm biệt chồng và gửi đứa con gái đầu lòng mới hơn một tháng tuổi cho một gia đình cách mạng nuôi dưỡng. Một thời gian ngắn sau đó, nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc bị địch bắt và tử hình. Bản thân bà cũng bị bắt và tù đày. Ra tù, bà nhận được tin cô con gái bé nhỏ bị chết vì khát sữa, khi chính gia đình cách mạng ấy cũng bị bắt sau phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Tột cùng nỗi đau của người mẹ, người vợ, rồi chịu nhiều dày vò về thể xác, tinh thần sau nhiều lần tù ngục, nhưng bà vẫn mạnh mẽ vươn lên, trở thành một lãnh đạo của Hội LHPN Việt Nam.
Trong suốt chuyến khám phá dài khoảng một giờ đồng hồ, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã bố trí hài hòa giữa kể chuyện, xem phim tư liệu, xem hoạt cảnh, hướng dẫn khách tham gia trải nghiệm những phòng giam chật hẹp, trải nghiệm vượt ngục qua “cống ngầm” bằng việc đi qua một lối đi hẹp, hoàn toàn tối đen, với sự hỗ trợ của một số đạo cụ… Những trải nghiệm ấy giúp khách tham quan thấm thía hơn về những khổ đau của những chiến sĩ, nhất là những nữ chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân; qua đó, càng làm ngời sáng thêm phẩm chất người phụ nữ Việt Nam. Trải nghiệm kết thúc bằng màn thắp nến tri ân những anh hùng liệt sĩ tại khu vực phù điêu, tượng đài trong khu di tích. Chị Nguyễn Mỹ An, một khách tham quan cho biết: “Tôi từng đến di tích Nhà tù Hỏa Lò, nhưng những trải nghiệm vào buổi tối, với những câu chuyện kể trong “Đêm linh thiêng 2 - Sống như những đóa hoa” thật sự xúc động. Tôi nghĩ, rất nhiều người sẽ chung cảm xúc như tôi khi tham gia chương trình”.
Đây là chương trình trải nghiệm về đêm thứ hai do Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện. Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: “Để di tích trở nên hấp dẫn, chúng tôi đã phối hợp Công ty Lữ hành Hà Nội Tourist để xây dựng chương trình trải nghiệm “Đêm linh thiêng 2 - Sống như những đóa hoa”. Chúng tôi cho ra mắt đúng dịp tháng 10 để góp phần tôn vinh nét đẹp của phụ nữ Việt Nam, nét đẹp của những nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung vì sự nghiệp giải phóng dân tộc dù hoàn cảnh khó khăn đến thế nào. Những hoạt cảnh do chính cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý di tích thực hiện. Do không phải chuyên nghiệp cho nên anh chị em đã phải luyện tập rất nhiều để có thể vào vai một cách “nhuyễn” nhất có thể”.
Bằng cách làm mới những câu chuyện cũ, “Đêm linh thiêng 2 - Sống như những đóa hoa” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều khách du lịch từ các tỉnh, thành phố, cũng như khách tham quan Hà Nội. Ngoài đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho khách tham quan nói chung, chương trình còn rất phù hợp đối với các hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng của các trường học, cơ quan, đơn vị.
viết bình luận của bạn