• 0913043690 - 0916028800
  • /
  • vangkimcuong97doican@gmail.com

NHNN nhập vàng về, bán ra lãi thấp, xóa được ngay giá chênh cao vô lý

NHNN nhập vàng về, bán ra lãi thấp, xóa được ngay giá chênh cao vô lý

29/05/2024

'NHNN nhập vàng về, ví dụ cộng cả chi phí là 75 triệu đồng/lượng, thì chỉ cần bán 76-78 triệu đồng. Còn các doanh nghiệp bán ra không quá 78,5 triệu đồng/lượng. Như thế mới thu hẹp khoảng cách, giảm chênh lệch giá'.

Dừng đấu thầu vàng miếng là thích hợp

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng miếng, trong đó có 6 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng vàng miếng trúng thầu là 48.500 lượng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng.

Tuy nhiên, NHNN bất ngờ thông báo dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế, đó là bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại để bán lẻ đến người dân.

Bình luận về quyết định này, PGS. TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - cho hay, có thời điểm, chênh lệch giá vàng miếng trong nước với thế giới lên đến 18-20 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này gây ra hệ quả rất lớn, đó là buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ, trốn thuế, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Thị trường vàng bất ổn do giá trong nước không sát với giá thế giới.

Nguyên nhân, ông Long cho rằng do cung thiếu, cầu tăng. 

 

W-dau thau vang.jpg Đánh giá đấu thầu vàng miếng không kéo giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới, chuyên gia cho rằng, NHNN dừng đấu thầu là thích hợp. Ảnh: Minh Hiền

“Xu hướng giá vàng tăng cao, có dự báo lên đến 3.000 USD/ounce, trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản thì trầm lắng, tiết kiệm lãi suất thấp, chứng khoán bấp bênh... nên đầu tư vàng tương đối hấp dẫn, thanh khoản cao khiến nhiều người đổ dồn vào vàng.

Cung - cầu mất cân đối làm cho chênh lệch giá càng lớn, phải tăng cung để giá giảm bớt. Thế nhưng, các cuộc đấu thầu vàng vừa qua đã sai cách khi căn cứ vào giá của thị trường để quyết định giá tham chiếu đặt cọc, vô hình trung thừa nhận giá đó là giá thị trường. Mục tiêu hạ giá thị trường xuống, thu hẹp giá trong nước và thế giới đã không làm được”, ông Long phân tích.

Theo vị chuyên gia này, trong những phiên đấu thầu vàng, hầu như không tiêu thụ hết, có phiên chỉ bán được 20%, còn 80% “ế”... nên không hiệu quả. 

“Các cuộc đấu thầu vàng không đạt được mục tiêu giảm chênh lệch giá nên NHNN dừng đấu thầu vàng là giải pháp khôn ngoan, thích hợp và thức thời”, ông Long đánh giá.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho hay, Thủ tướng yêu cầu giảm giá vàng xuống, giảm chênh lệch giá trong nước và quốc tế, nhưng đấu thầu vàng không đạt được mục tiêu đó vì NHNN để giá tham chiếu cao bằng giá thị trường. Trong khi, doanh nghiệp sau khi mua với giá trúng thầu, phải bán giá cao hơn để có lãi. Đó là vấn đề không hợp lý và bất cập.

“NHNN bán ra 1,8 tấn vàng miếng, nhưng liệu vàng có ra thị trường hay không? Nếu vẫn cứ tiếp tục đấu thầu thì lấy ngoại tệ ở đâu để nhập khẩu vàng?”, ông Hùng lo ngại. 

Cần sửa toàn diện Nghị định 24 

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chúng ta đang điều hành thị trường vàng bằng Nghị định 24 (năm 2012) nhưng đã quá bất cập, lỗi thời, không phù hợp. Vì thế, giải pháp đầu tiên là phải thay thế gấp Nghị định 24.

“3-4 năm nay, NHNN đã đưa ra dự thảo nhưng chưa đi đến "chung kết". Phải thay ngay Nghị định 24 chứ không phải sửa đổi, bởi nguyên tắc sửa đổi thì chỉ sửa 20% nội dung. Muốn thay thế nghị định, người làm quản lý phải thay đổi tư duy quản lý về vàng, làm sao đúng tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng là thực hiện theo nguyên tắc thị trường để quản lý thị trường vàng.

Có 3 biện pháp quản lý thị trường vàng là hành chính, tổ chức và kinh tế. Trong đó, giải pháp kinh tế là giải pháp thượng sách, còn hành chính và tổ chức là biện pháp hạ sách”, ông Long nói.

Vị chuyên gia nhắc lại rất nhiều giải pháp mà ông đã từng đưa ra, đó là cần thay đổi tư duy quản lý. NHNN chỉ thực hiện đúng chức năng, đừng kinh doanh; tạo sân chơi bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Phải có nhiều sản phẩm vàng, tránh một thương hiệu. Ngoài vàng vật chất cần chú ý đến chứng chỉ vàng, sử dụng công cụ phái sinh, mở sàn vàng...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng cũng cho hay, quan điểm của hiệp hội là không cần đấu thầu vàng, cũng không cần nhập khẩu vàng mà chỉ cần thay đổi chính sách bằng cách sửa đổi Nghị định 24, bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Từ đó, giá vàng xuống ngay, không tốn đồng ngoại tệ nào để nhập vàng.

“Nên quan niệm vàng SJC cũng như các loại vàng khác, chất lượng 9999 như nhau, đừng quan trọng vàng miếng”, ông Hùng đề xuất.

Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 24, ông Hùng góp ý, NHNN vẫn nhập vàng về và bán cho các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vàng miếng, giá phải thấp hơn giá thị trường. 

“Các doanh nghiệp chỉ là kênh phân phối cho NHNN, bán theo giá chỉ định của NHNN. Chẳng hạn, NHNN nhập vàng về, cùng với các chi phí mức giá là 75 triệu đồng/lượng, thì chỉ cần bán 76-78 triệu đồng/lượng. Còn các doanh nghiệp bán ra không quá 78,5 triệu đồng/lượng. Như thế mới thu hẹp khoảng cách, giảm chênh lệch giá”, ông Hùng dẫn chứng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, có đầy đủ công cụ để làm được.

Chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết, việc NHNN dừng đấu thầu vàng do việc đấu thầu không hiệu quả. Đầu thấu vàng tuy có giải tỏa cơn khát vàng của thị trường, nhưng chưa đáp ứng mong muốn của NHNN cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là kéo chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sát lại mức hợp lý hơn.

Theo ông Phương, vàng SJC đang chiếm 80% thị trường. Trước năm 2012, khi vàng SJC chưa là độc quyền thì người dân vẫn chuộng vàng SJC. Do đó, nên bỏ độc quyền vàng SJC.

“NHNN có thể nhập vàng nguyên liệu về và bán lại cho những tổ chức/doanh nghiệp vàng lớn để họ có nguồn sản xuất vàng miếng, vàng nữ trang. Chỉ có phương án đó mới bình ổn nhanh nhất và hiệu quả nhất”, ông Phương nói.

TAGS :

viết bình luận của bạn