Người quyền lực nhất giới tài chính do dự, giá vàng chưa thể bứt phá
Người quyền lực nhất giới tài chính do dự, giá vàng chưa thể bứt phá
03/07/2024
Giá vàng lao dốc rồi quay đầu tăng rất nhanh nhưng chưa thể bứt phá trong bối cảnh người đàn ông quyền lực nhất trên thị trường tài chính thế giới do dự về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ cũng như tác động của chính sách tiền tệ.
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế vừa trải qua một phiên biến động khá mạnh, giảm gần 16 USD, từ mức 2.334 USD/ounce về mức 2.318 USD/ounce, vào đầu phiên 2/7 (tối 2/7 giờ Việt Nam). Tuy nhiên, giá vàng sau đó tăng trở lại và lên mức 2.330 USD/ounce.
Mặc dù tăng trở lại nhưng mức tăng không mạnh, vàng chưa thể bứt phá trong bối cảnh người đàn ông quyền lực nhất trên thị trường tài chính thế giới - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell - do dự về sức khỏe thực sự của nền kinh tế Mỹ cũng như tác động của chính sách tiền tệ.
Ông chủ Fed vẫn thận trọng trước những thông tin kinh tế trái chiều. Lạm phát đang hạ nhiệt khá tích cực nhưng thị trường lao động Mỹ lại rất "khỏe mạnh", cho phép Fed có thể duy trì lâu thêm nữa lãi suất cao để kéo chỉ số giá tiêu dùng về mức mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, những tác động tiềm ẩn của chính sách tiền tệ đắt đỏ tới nền kinh tế Mỹ có thể khiến các quan chức Fed phải cân nhắc kỹ.
Đây cũng là điều mà ngân hàng trung ương nhiều nước đang theo dõi chặt nhằm khống chế tỷ giá leo thang và đồng tiền nội địa mất giá, như Nhật. Tỷ giá USD/VND cũng đã căng thẳng nhiều tháng qua, được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt theo những bước ngoặt chính sách tiền tệ của Mỹ.
Vì sao chủ tịch Fed Jerome Powell do dự?
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Ngân hàng Trung ương ở Sintra, Bồ Đào Nha đêm qua (giờ Việt Nam), Chủ tịch Fed Jerome Powell bày tỏ sự hài lòng về tốc độ hạ nhiệt lạm phát Mỹ trong năm qua. Tuy nhiên, ông Jerome Powell vẫn chưa đủ tự tin để cắt giảm lãi suất.
Dù lạm phát đang giảm “đúng lộ trình”, nhưng ông muốn thấy nhiều bằng chứng hơn cho thấy lạm phát có thể xuống mức 2% một cách bền vững.
Giá vàng chịu áp lực từ chính sách tiền tệ của nước Mỹ. Ảnh: HH
Hôm 1/7, Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng (PCE) của Mỹ tăng 2,6% trong vòng một năm qua. Đây là một thước đo lạm phát ưa thích của Fed và là một tín hiệu tích cực cho cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ. Hồi tháng 6/2022, lạm phát Mỹ lên đỉnh cao nhiều thập kỷ, 9,1%.
Điều mà ông Powell lo ngại là nếu Fed cắt giảm lãi suất quá sớm, lạm phát có thể tăng trở lại, trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn thường xuyên phát ra những tín hiệu tích cực như sự tươi sáng của thị trường lao động.
Tuy nhiên, nếu cắt giảm lãi suất quá muộn, Fed có thể làm ảnh hưởng đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Không chỉ ông Powell, nhiều quan chức Fed cũng tỏ ra thận trọng trong quyết định đảo chiều chính sách tiền tệ. Trước đó, tín hiệu cho thấy Fed sẽ cắt giảm lãi suất 4 lần (mỗi lần 25 điểm phần trăm) trong năm 2024. Nhưng giờ đây, kỳ vọng chỉ còn 1-2 lần.
Mỹ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, vàng sẽ tăng giá?
Ông chủ Fed cho hay chưa xác định ngày giờ cụ thể sẽ giảm lãi suất. Tuy nhiên, thị trường đánh cược vào khả năng lần cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào cuộc họp tháng 9 tới.
Theo các tín hiệu thị trường từ công cụ CME FedWatch tính đến sáng 3/7 (giờ Việt Nam), 67,1% cho rằng khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 18/9. Trong đó, 61,5% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm, từ mức 5,25-5,5%/năm hiện tại xuống 5-5,25%/năm.
Không chỉ Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9, trong bối cảnh lạm phát giảm nhanh tại Mỹ và EU.
Trên CNBC, chuyên gia của Morgan Stanley thông tin ngân hàng này lạc quan hơn về khả năng cắt giảm lãi suất của Fed và ECB.
Đa số nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters cũng dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất trong tháng 9.
Trước đó, Chủ tịch Fed Boston Susan Collins chia sẻ với Yahoo Finance rằng, có khả năng Fed sẽ thực hiện 1-2 lần hạ lãi suất vào cuối năm nay khi Mỹ đón thêm tin vui về lạm phát.
Hiện, sức cầu đối với vàng vẫn khá cao, thường tăng mạnh mỗi khi giá vàng giao ngay rơi về mức 2.300 USD/ounce. Giới đầu tư vẫn đặt niềm tin vào vàng trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, một đồng USD mạnh vẫn níu kéo đà tăng của vàng.
Việc ngân hàng trung ương nhiều nước hạ lãi suất sớm hơn Mỹ cũng khiến đồng USD treo cao, qua đó gây áp lực lên vàng.
Một số nguồn tin cho biết, Trung Quốc - tay chơi lớn trên thị trường vàng - đã mua vàng trở lại trong tháng 6 sau khi bất ngờ ngừng mua trong tháng 5 vừa qua, chấm dứt chuỗi 18 tháng mua ròng trước đó. Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối nước này còn ở mức rất thấp, chỉ 4,9%. Trong khi đó, Bắc Kinh muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Trong nước, với chính sách bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua các ngân hàng thương mại quốc doanh, nhiều khả năng giá vàng miếng SJC thời gian tới sẽ không có nhiều biến động.
Ngân hàng Nhà nước đang bán vàng miếng SJC cho người dân có nhu cầu thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước dưới hình thức đăng ký mua trực tuyến với mức giá gần 77 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới quy đổi trên dưới 5 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng).
viết bình luận của bạn