Giá vàng thế giới lập kỷ lục lịch sử mới, nhẫn trơn và vàng miếng SJC
Giá vàng thế giới lập kỷ lục lịch sử mới, nhẫn trơn và vàng miếng SJC ra sao?
18/07/2024
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng vọt và lập đỉnh cao kỷ lục mới 2.460 USD/ounce trong bối cảnh có quá nhiều thông tin hỗ trợ cho mặt hàng kim loại này. Dự báo kỷ lục mới trong tuần đã thành hiện thực.
Lập đỉnh mới: 2.460 USD/ounce
Trong phiên giao dịch 16/7 trên thị trường New York (đêm 16/7 giờ Việt Nam), tính đến 22h30 giá vàng giao ngay bất ngờ tăng thêm 40 USD, lên trên ngưỡng 2.460 USD/ounce (76,2 triệu đồng/lượng). Đây là kỷ lục mới, cao hơn đỉnh lịch sử 2.450 USD/ounce ghi nhận hôm 20/5.
Như vậy, dự báo vàng thế giới bứt phá và lập đỉnh cao mọi thời đại mới trong tuần 15-19/7 đã trở thành hiện thực.
Thị trường tài chính quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt là bước ngoặt chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cùng với vụ việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị ám sát hụt… đã hỗ trợ mạnh mẽ kim loại quý.
Giá vàng tăng vọt lên đỉnh cao mới vào đầu phiên giao dịch 16/7 trên thị trường New York trong bối cảnh Fed sẵn sàng đảo chiều chính sách tiền tệ và giới đầu tư đánh cược 100% khả năng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 18/9.
Tính tới 22h40 ngày 16/7 (giờ Việt Nam), theo các tín hiệu từ công cụ CME FedWatch, thị trường hiện đánh cược 100% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 18/9. Trong đó có 93,3% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm, từ mức 5,25-5,5%/năm hiện tại xuống 5-5,25%/năm. Còn lại, 6,7% khả năng Fed cắt giảm 50 điểm. Hôm 3/7, tỷ lệ cắt giảm lãi suất thấp chỉ ở mức 67%.
Thị trường phản ánh 100% khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào ngày 18/9.
Sở dĩ giới đầu tư đánh cược 100% Fed cắt lãi suất vào tháng 9 do Mỹ trong tuần trước công bố chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 giảm 0,1% so với tháng liền trước, qua đó đưa tỷ lệ lạm phát theo năm ở mức 3% - mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Những phát biểu gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng củng cố niềm tin của các nhà giao dịch rằng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hành động vào tháng 9.
Trong tuần trước, tại phiên điều trần trước Hạ viện, ông Powell bất ngờ có tuyên bố thay đổi lập trường. Ông cho biết, Fed sẽ không đợi cho đến khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% mới bắt đầu cắt giảm lãi suất. Fed lo ngại những tác động có độ trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt. Nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái.
Sau số liệu lạm phát giảm và một số bình luận ôn hòa gần đây từ ông Powell, các thị trường đánh cược Fed sẽ cắt giảm tổng cộng 75 điểm phần trăm trong năm nay.
USD yếu đi, xuống mức thấp nhất 5 tuần, đã hỗ trợ cho vàng.
Yếu tố nào ngăn cản đà tăng vàng thời gian tới?
Vàng đã bứt phá lên đỉnh cao lịch sử mới sau khi giá mặt hàng này được giữ vững trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 2.400 USD/ounce trong nhiều phiên.
Sức cầu gia tăng đối với vàng, đặc biệt từ các “tay chơi” lớn trên thị trường, bao gồm ngân hàng trung ương nhiều nước… đã tạo nên dư địa cho giá vàng bứt phá.
Vàng lập đỉnh cao lịch sử mới. Nguồn: KC
Trước đó, trong nửa đầu năm 2024, giá vàng thế giới cũng đã liên tục tăng và lập nhiều mức cao kỷ lục do nhu cầu mua vàng tăng đột biến từ các ngân hàng trung ương trên thế giới trong bối cảnh rủi ro địa chính trị toàn cầu gia tăng, với những xung đột tại Ukraine, Biển Đỏ, Trung Đông…
Theo Ngân hàng UBS, lượng mua vàng thỏi của ngân hàng trung ương các nước đang ở mức cao nhất kể từ cuối những năm 1960.
Gần đây, vụ việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị nghi phạm xả súng trong một cuộc vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania hôm 13/7 cũng được đánh giá sẽ khiến rủi ro tại Mỹ cũng như trên thế giới gia tăng.
Trên Kitco, các chuyên gia cho rằng, các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, đồng USD, yen Nhật và trái phiếu kho bạc Mỹ hút dòng tiền.
Trong khi đó, tỷ lệ chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đang tăng lên. Đây là yếu tố được cho là sẽ kéo đồng USD đi xuống. Và điều này sẽ hỗ trợ cho mặt hàng kim loại quý.
Trên CNBC, các nhà phân tích cho rằng, nếu ông Trump thắng cử thì đây sẽ là thông tin xấu cho lạm phát toàn cầu. Nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của cựu Tổng thống Donald Trump có thể gây ra lạm phát toàn cầu khi các chính sách “nước Mỹ trên hết” (America-first) của ông Trump sẽ làm gia tăng chi phí trên toàn thế giới.
Khi lạm phát trở lại và Fed trong chu kỳ giảm lãi suất, đồng USD mất giá, thì đây là yếu tố hỗ trợ kép cho vàng.
Với một số chuyên gia, bất kể ai, ông Trump hay ông Biden làm tổng thống thứ 47 của Mỹ, lãi suất sẽ giảm và tiền sẽ được bơm ra để thúc đẩy kinh tế. Và như vậy, vàng có cơ hội lập đỉnh cao mới.
Trong thời gian tới, nhiều khả năng các quỹ ETF vàng sẽ đảo chiều gia tăng nắm giữ, thay vì chỉ có lực cầu lớn từ các ngân hàng trung ương. Những bất định ở phía trước sẽ biến vàng thành lựa chọn hàng đầu.
Dù vậy, các nước được dự báo cũng sẽ gặp khó khăn. Lạm phát sẽ trên phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ ở nước Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đồng USD có thể không giảm quá sâu cho dù Fed bước vào chu kỳ giảm lãi suất. USD chưa lao dốc có thể ngăn cản vàng đạt những kỳ vọng cao vút như mức 3.000 USD/ounce trong dự báo của Goldman Sachs.
viết bình luận của bạn