Giá vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng, tiến tới mốc 100 triệu ngay trư
Giá vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng, tiến tới mốc 100 triệu ngay trước mắt?
11/05/2024
Giá vàng miếng SJC liên tục lập đỉnh cao lịch sử và đã vượt mốc 92 triệu đồng/lượng. Ngưỡng 100 triệu đồng không còn xa, khi giá vàng thế giới lại vào nhịp tăng mới, đã có dự báo giá vàng lên 2.500 USD/ounce cuối năm nay.
Thị trường vàng trong nước sôi sục
Thị trường vàng trong nước những ngày đầu tháng 5 sôi sục và liên tục lập đỉnh cao mới, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực tìm giải pháp tăng cung với 5 cuộc đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó, có 2 phiên có đơn vị trúng thầu với tổng số 6.800 lượng.
Dù giá vàng thế giới chùng lại trong các phiên giữa tuần nhưng sức cầu vàng dường như rất lớn. Trong phiên giao dịch 8-9/5, có tình trạng người dân xếp hàng mua vàng, phải chờ đợi lâu và bị giới hạn số lượng mua.
Tới sáng 10/5, giá vàng miếng SJC đã cán mốc 92 triệu đồng/lượng. Đến chiều cùng ngày, vàng lên tới 92,4 triệu đồng mỗi lượng.
Tình trạng người dân đổ xô mua vàng được biết đến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Trung Quốc, Ấn Độ và gần đây là Hàn Quốc.
Theo CNBC, bất chấp giá đắt kỷ lục, vàng miếng loại nhỏ ở Hàn Quốc bán chạy "như tôm tươi" tại các cửa hàng tiện lợi và máy bán hàng tự động. Đây là hiện tượng hiếm có tại đất nước này. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, trong quý I, sức cầu vàng tại Hàn Quốc tăng 27% so với cùng kỳ lên 5 tấn.
Trong khi đó, Trung Quốc vừa ghi nhận mua ròng trong tháng thứ 18 liên tiếp trong tháng 4 vừa qua.
Sức cầu đối với mặt hàng kim loại quý tại châu Á tăng mạnh trong gần 2 năm qua.
Sở dĩ có hiện tượng vàng được ưa chuộng và mua vào mạnh mẽ tại châu Á là do đồng tiền ở nhiều nước trong khu vực giảm mạnh. Đồng yên Nhật liên tục lao dốc, có lúc xuống mức 160 yen/USD, mức thấp nhất trong 34 năm qua.
Giá vàng miếng SJC chiều 10/5 lên đến 92,4 triệu đồng/lượng. Ảnh: HH
Đồng VND của Việt Nam tích cực hơn nhưng cũng giảm 4,2% kể từ đầu năm so với đồng USD của Mỹ.
Đồng USD gây bất ngờ lớn cho thị trường tài chính thế giới khi tiếp tục tăng mạnh trong hơn 4 tháng đầu năm. Trước đó, giới đầu tư đánh cược đồng bạc xanh của Mỹ sẽ suy yếu và bước vào xu hướng downtrend giảm giá do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm đảo chiều chính sách tiền tệ, bắt đầu chuỗi giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhưng thực tế, đã có nhiều thay đổi so với dự báo của thị trường. Fed liên tục trì hoãn việc hạ lãi suất. Nhiều khả năng Fed sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 9.
Đồng USD mạnh đã gây áp lực lên vàng. Tuy nhiên, mặt hàng kim loại quý điều chỉnh không nhiều. Sau khi lên đỉnh cao 2.430 USD/ounce hôm 12/4, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới vẫn trụ rất vững trên ngưỡng 2.300 USD/ounce dù hoạt động bán chốt lời rất mạnh.
Giá vàng thế giới sáng 10/5 trên thị trường châu Á thậm chí tăng vọt lên ngưỡng 2.355 USD/ounce khi sức cầu đối với mặt hàng này gia tăng.
Mức giá 100 triệu đồng/lượng không còn xa
Với xu hướng giá vàng trong nước tăng mạnh, mỗi ngày tăng thêm 1 triệu đồng/lượng (dù giá thế giới chưa tăng), sức cầu áp đảo cho thấy khả năng giá vàng miếng SJC lên ngưỡng 100 triệu đồng/lượng không còn là điều xa vời.
Tốc độ tăng giá của vàng miếng SJC còn lớn hơn khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế được kéo rộng ra, từ mức 11-12 triệu đồng/lượng trước khi diễn ra phiên đấu thầu vàng lần đầu tiên lên 17-18 triệu đồng/lượng hiện tại.
Bên cạnh đó, giá vàng thế giới có dấu hiệu bước vào một đợt tăng mới.
Trong phiên rạng sáng 10/5, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng thêm khoảng 45 USD, dự báo có thể lên ngưỡng 2.500 USD/ounce (tương đương 77,5 triệu đồng/lượng). Nếu tính thêm mức chênh 18 triệu đồng/lượng, mốc 100 triệu đồng với giá vàng miếng SJC là tương lai không xa.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại vào đầu giờ sáng 10/5 do mặt hàng này được đánh giá vào đà của một đợt tăng mới khi có thêm các ngân hàng trung ương quyết định cắt giảm lãi suất và phát tín hiệu sẵn sàng giảm lãi suất thêm nữa trong tương lai.
Vàng vốn là một loại tài sản không mang lại lãi suất cho người cầm giữ. Do vậy, khi lãi suất tiền gửi tại các nước giảm, đây là yếu tố hỗ trợ cho vàng.
Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực gia tăng. Belarus hôm 7/5 bất ngờ thông báo tập trận hạt nhân chiến thuật do trước đó Nga có tuyên bố tương tự. Căng thẳng tại Trung Đông cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vừa công bố xuất khẩu trong tháng 4 tăng 1,5%, sau khi giảm 7,5% trong tháng 3. Trung Quốc được xem là “tay chơi lớn” trên thị trường vàng thế giới. Và khi nước này có thêm tiềm lực về kinh tế, hoạt động mua vàng có thể tiếp tục được đẩy mạnh khi thế giới bất ổn.
Tới đây, khoảng tháng 9, Fed có thể giảm lãi suất. Đồng USD suy giảm sẽ đẩy giá vàng đi lên. Tình hình lạm phát, giá cả leo thang ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và việc các nước châu Á và châu Âu đang vật lộn để kiểm soát đồng tiền khỏi lao dốc... cũng sẽ đẩy giá mặt hàng kim loại quý. Nhiều chuyên gia cũng đã nhắc tới khả năng đình lạm ở một số nước. Nếu điều này xảy ra, vàng tiếp tục là kênh trú bão quan trọng.
Hồi cuối tháng 2, cũng có những dự báo có kịch bản khiến giá vàng lên 110 triệu đồng/lượng, ngay nửa cuối năm 2024 hoặc nửa đầu năm sau.
Trong nước, giá vàng tăng mạnh và chênh với thế giới khiến nhiều người lo ngại. Việc ổn định giá vàng để người dân mua ở mức giá sát với thế giới hơn là cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là giữ vững tỷ giá, giúp ổn định thị trường tài chính trong nước cũng như dòng vốn ngoại vào - ra.
viết bình luận của bạn