• 0913043690 - 0916028800
  • /
  • vangkimcuong97doican@gmail.com

Giá vàng lao dốc: Người mua có phải 'ôm' cả thập kỷ mới hòa vốn?

Giá vàng lao dốc: Người mua có phải 'ôm' cả thập kỷ mới hòa vốn?

28/09/2024

Giá vàng thế giới đang giảm mạnh sau khi đạt đỉnh lịch sử 2.685 USD/ounce. Giá vàng nhẫn trong nước lên mức cao kỷ lục, sát với vàng miếng SJC. Nhiều người đổ xô mua vàng lúc này liệu có phải ôm 9 năm mới hòa vốn như giai đoạn 2012-2020?

Giá vàng nhẫn tăng dữ dội

Trong phiên giao dịch 27/9, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng dữ dội theo thế giới và sắp vượt vàng miếng. Giá vàng SJC "đứng yên" suốt cả tuần, dù giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế liên tục lập đỉnh cao lịch sử mới.

Sau khi vượt ngưỡng 2.500 USD/ounce hôm 11/9, giá vàng giao ngay thế giới leo thang và vượt ngưỡng 2.550 USD/ounce ngày 12/9, rồi vượt 2.600 USD/ounce ngày 18/9, trước khi lập đỉnh cao lịch sử ở mức 2.684 USD/ounce ngày 26/9.

Giá vàng thế giới bứt phá không ngừng nghỉ sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ mạnh lãi suất giảm 0,5 điểm phần trăm, từ mức 5,25-5,5%/năm xuống 4,75-5%/năm ngày 18/9.

Fed cũng phát tín hiệu sẽ có 2 lần giảm lãi suất tổng cộng 0,5 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm 2024 và sẽ đưa lãi suất về mức khoảng trên 3%/năm trong năm 2026.

Dòng tiền cũng dồn dập đổ vào vàng khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang. Israel dốc toàn lực đánh lực lượng Hezbollah ở Lebanon và chưa có phản hồi đề xuất ngừng bắn 21 ngày do Mỹ và Pháp đưa ra. Israel cảnh báo Hezbollah về "một cuộc tấn công trên bộ sắp xảy ra" ở Lebanon. Israel tuyên bố sẽ tiếp tục hành động quân sự "cho đến khi đạt được mục tiêu". Trong khi đó, giao tranh ở Gaza không có dấu hiệu suy giảm. 

 

giavangMinhHien6 OK.gif Giá vàng nhẫn tăng vọt lên mức 83,45 triệu đồng/lượng, chỉ còn kém chút ít so với mức 83,5 triệu đồng/lượng của vàng miếng SJC. Ảnh: MH

Trong nước, giá vàng miếng SJC đứng nguyên trong gần một tuần sau khi tăng vọt 2 lần, mỗi lần 1,5 triệu vào hôm 20/9 và 24/9, từ mức 78,5 triệu đồng (mua) và 80,5 triệu đồng (bán) lên mức 81,5 triệu đồng (mua) và 83,5 triệu đồng (bán) hôm 24/9.

Ngược lại, giá vàng nhẫn tròn trơn liên tục tăng mạnh và tới cuối cuối ngày 27/9 lên sát gần bằng giá vàng miếng SJC. Vàng nhẫn của Doji được giao dịch ở mức 82,75 triệu đồng/lượng (mua) và 83,45 triệu đồng/lượng (bán), tức chỉ còn kém vàng miếng SJC 50.000 đồng/lượng.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương đánh giá, những ngày qua giá vàng nhẫn liên tục tăng mạnh lập các kỷ lục mới là chuyện "rất bình thường, không có gì bất thường".

"Giá vàng thế giới tăng mạnh nên ngay lập tức khiến giá vàng nhẫn tăng lên. Vàng nhẫn 4 số 9 được sản xuất từ vàng nguyên liệu 4 số 9. Lấy giá vàng thế giới quy đổi ra giá vàng trong nước, cộng chi phí thuê vận chuyển, chi phí gia công, chi phí khấu hao… thì mức giá vàng nhẫn như hiện nay là hợp lý", ông Phương nhấn mạnh.

Vàng liệu có giảm, người mua vàng nhẫn phải ôm 9 năm để hòa vốn?

Tuy nhiên, giá vàng thế giới trong phiên giao dịch rạng sáng 28/9 giảm khá mạnh, từ đỉnh cao 2.684 USD/ounce hôm 26/9 có lúc về dưới 2.645 USD/ounce. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại?

Trước đó, trong giai đoạn từ 2012-2020, nhiều người mua vàng SJC ở đỉnh năm 2012 khi giá tăng mạnh từ mức 36 triệu đồng/lượng (giá bán) hồi đầu năm 2011 lên mức 42,65 triệu đồng/lượng (bán) vào đầu năm 2012.

Giá vàng SJC chỉ tăng chớp nhoáng lên 46,32 triệu đồng/lượng (bán) vào đầu năm 2013 rồi sau đó giảm mạnh, rồi đi ngang trong khoảng từ 33-37 triệu đồng/lượng cho tới năm 2019 trước khi lên trở lại mức 42,77 triệu đồng/lượng (giá bán) vào đầu năm 2020.

Nếu ai mua vào đầu năm 2012 thì đã lỗ, và chỉ có thể hòa vốn sau 9 năm (nếu kiên trì nắm giữ). 

Vậy liệu trong đợt vàng tăng giá dữ dội từ năm 2023 cho tới nay, những người mua vàng có bị giam vốn kéo dài như trong giai đoạn nói trên hay không?

Hồi đầu tháng 5/2024 giá vàng miếng SJC đã từng lên 92,5 triệu đồng lượng (bán) và trong nhiều tháng qua mặt hàng này về ngưỡng 80-83,5 triệu đồng do Ngân hàng Nhà nước bình ổn giá, nhưng giao dịch không nhiều.

Còn vàng nhẫn đã tăng mạnh từ mức khoảng 62-63 triệu đồng/lượng hồi đầu năm lên mức 82-83 triệu đồng/lượng như hiện tại. Mức tăng là 20 triệu đồng/lượng, tương đương gần 32%.

Nếu như hồi đầu năm 2024, giá vàng miếng SJC cao hơn vàng nhẫn khoảng 11 triệu đồng/lượng thì hiện mức chênh chỉ còn 50.000 đồng/lượng.

Gần đây, một số nhà đầu tư chuyên nghiệp cho biết họ đã hoặc sắp chốt lời vàng và chuyển sang một số kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, trong bối cảnh chính sách tiền tệ thay đổi ở nhiều nước trên thế giới. Vàng đã tăng rất nhiều và việc bán ra là bình thường.

Tuy nhiên, đại diện một tổ chức quản lý gia sản cho biết, quyết định bán ra là chốt lời sớm, họ không muốn dò để bán đúng đỉnh. Dự báo của chuyên gia này, giá vàng thế giới còn tăng, và ít nhất là tới giữa năm 2025 trong bối cảnh đồng USD sẽ đi xuống theo những đợt giảm lãi suất của Fed và căng thẳng địa chính trị trên thế giới.

Dù vậy, mức tăng có thể không còn nhiều nữa. Từ ngưỡng 2.670 USD/ounce, vàng có thể lên trên 2.700 USD/ounce trong năm 2024 và có thể lên 3.000 USD/ounce trong năm 2025 hoặc đầu năm 2026, rồi có thể bước vào giai đoạn giảm. Mức tăng sẽ không còn nhiều mà rủi ro là khá lớn.

Do đó, những người từng mua vàng giá đỉnh sẽ phải đối diện kịch bản chờ đợi rất lâu để hoà vốn.

TAGS :

viết bình luận của bạn