• 0913043690 - 0916028800
  • /
  • vangkimcuong97doican@gmail.com

Đấu thầu thất bại, có thể Ngân hàng Nhà nước phải 'hy sinh' thị trường

Đấu thầu thất bại, có thể Ngân hàng Nhà nước phải 'hy sinh' thị trường vàng?

28/04/2024

Sau hai lần đấu thầu vàng thất bại, các chuyên gia cho rằng, NHNN buộc phải giảm giá thầu sâu hơn nữa, xuống tận 75 triệu đồng/lượng, hoặc phải “hy sinh” thị trường vàng, vì trong giai đoạn này rất khó để ổn định được.

Sau 11 năm, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đấu thầu vàng miếng trở lại nhằm tăng cung cho thị trường, kéo giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới.

Thế nhưng, trong 3 phiên đấu thầu vàng miếng, bắt đầu từ ngày 22/4, NHNN đã phải hủy đến 2 phiên do không đủ số lượng đơn vị tham gia. Mới có một phiên đấu thành công vào ngày 23/4, nhưng chỉ 2/11 doanh nghiệp trúng thầu, với vỏn vẹn 3.400 lượng trên tổng số 16.800 lượng vàng miếng SJC tung ra.

Giá tham chiếu còn cao, doanh nghiệp không mặn mà

Phân tích lý do khiến các phiên đấu thầu vàng không thu hút nhiều đơn vị tham gia, trao đổi với PV. VietNamNet, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho hay, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc tại phiên đấu ngày 23/4 ở mức 80,7 triệu đồng/lượng, trong khi thời điểm đó giá trên thị trường chỉ 82-83 triệu đồng/lượng. 

“Như vậy giá chào thầu vẫn cao, các doanh nghiệp sẽ thấy không có lợi nhuận khi tham gia đấu thầu.

Nếu mua một số lượng vàng lớn, nếu giá thế giới quay đầu giảm, bán ra họ có thể bị lỗ luôn, chưa nói đến lời. Do đó, nhiều đơn vị không mặn mà với những phiên đấu thầu”, ông Huân nhìn nhận.

Vị chuyên gia cho rằng, mục tiêu của đấu thầu vàng miếng theo NHNN là để tăng cung, kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới. Tăng cung nhưng giá bán ra cao thì dù bán được cả trăm nghìn lượng cũng không thể kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới được.

 

W-dau-thau-vang-1.jpg Theo chuyên gia, nên đấu thầu tiếp, nhưng giá tham chiếu cần giảm thấp hơn giá thị trường. Ảnh: Minh Hiền

“Giá mua đã trên 80 triệu đồng/lượng thì không có chuyện các doanh nghiệp đấu thầu bán dưới mức giá 80 triệu đồng/lượng. Đấu thầu vì thế chỉ là giải pháp tình thế của NHNN, để kéo dài thời gian, chứ không có tác động với thị trường vàng ở thời điểm hiện tại”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân nhận xét.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, NHNN cũng đang rơi vào thế khó khi vừa phải bình ổn tỷ giá, vừa phải bình ổn thị trường vàng. Trong khi đó, tỷ giá gần đây “nổi sóng”, áp lực rất nhiều, nên giờ nhập khẩu thêm vàng là không khả thi.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, thắc mắc, vì sao NHNN nghĩ giá tham chiếu đưa ra phải cao hơn giá thu mua của doanh nghiệp?

Ông dẫn chứng, doanh nghiệp mua vào - bán ra vàng SJC ở mức 82-84 triệu đồng/lượng, NHNN lại muốn bán giá 83 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, các doanh nghiệp không mua được, kể cả khi bán ra 84 triệu đồng/lượng đã lời rồi.

“Doanh nghiệp kinh doanh vàng để mức chênh lệch 2 triệu đồng giữa giá mua và bán nhằm đảm bảo an toàn nếu giá giảm. Họ bỏ ra cả trăm tỷ đồng để đấu thầu, phải có lời 1-2 tỷ họ mới đầu tư, còn nếu thấy rủi ro họ sẽ không mua”, ông Khánh phân tích.

Vừa đấu thầu tiếp, vừa cần giải pháp lâu dài

Ông Huỳnh Trung Khánh đánh giá, đấu thầu vàng miếng là biện pháp hữu hiệu để tăng cung, vẫn nên đấu thầu tiếp. Tuy nhiên, theo ông, nên điều chỉnh lại mức giá tham chiếu, bởi muốn hạ mức giá chênh lệch xuống nhưng lại đưa giá cao thì mâu thuẫn với mục đích.

“Phải đưa giá tham chiếu thấp hơn giá thị trường mới kéo giá vàng xuống được, còn đưa giá cao hơn thị trường thì giá càng ngày càng tăng”, ông Khánh góp ý.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân khẳng định, nếu những phiên đấu thầu vàng sắp tới giá tham chiếu vẫn để mức cao sẽ không thành công.

“Phải giảm giá tham chiếu xuống thấp hơn nữa. Chẳng hạn, có thể chỉ khoảng 75 triệu đồng/lượng, doanh nghiệp mua về và bán ra ở mức 77-78 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp vừa có lời và giá vẫn thấp hơn giá thị trường. Khi đó mới có thể kéo giá trong nước sát với giá thế giới”, ông Huân nói.

Trong khi đấu thầu vàng miếng “ế” thì người dân lại đua nhau đi mua vàng nhẫn, khiến nhiều cửa hàng không còn vàng để bán.

Theo các chuyên gia, cần cho phép một số doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Ông Khánh lý giải, không cho nhập khẩu thì nguy cơ nhập lậu ngày càng gia tăng. Do đó, muốn trị nhập lậu, cần cho nhập chính thức, chính ngạch, tự nhiên sẽ triệt tiêu được buôn lậu vàng.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, cần tăng cung vàng bằng cách cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng theo hạn ngạch.

Tuy nhiên, ông đoán rằng, khi tỷ giá đang cao thì chuyện cho nhập khẩu khó được chấp nhận.

“Giai đoạn này, rất có thể NHNN phải 'hy sinh' thị trường vàng, khó có thể ổn định được giá vàng. Phải đợi một thời gian nữa khi tỷ giá ổn định, NHNN mới cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng theo quota, mới từ từ bình ổn được thị trường”, ông Huân đánh giá.

TAGS :

viết bình luận của bạn