'Cá mập' chạy đua mua vào, giá vàng leo thang trong thập kỷ tới
'Cá mập' chạy đua mua vào, giá vàng leo thang trong thập kỷ tới
31/08/2024
Giá vàng được dự báo sẽ tăng lên các đỉnh cao mới trong thập kỷ tới. Các "tay chơi lớn", "cá mập" trên thị trường đẩy mạnh mua vàng khi thế giới ngày càng căng thẳng và bất định.
Thêm dự báo giá vàng lên 3.000 USD/ounce
Chuyên gia Ngân hàng UOB vừa đưa ra dự báo giá vàng sẽ lên mức 2.700 USD/ounce vào giữa năm 2025 và sau đó là 3.000 USD/ounce do bất ổn địa chính trị, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và kỳ vọng cắt giảm lãi suất.
Như vậy, con số 3.000 USD/ounce (tương đương hơn 92 triệu đồng/lượng) dự báo về giá vàng lại xuất hiện sau khi giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế vượt 2.500 USD/ounce và đang trụ khá vững trên ngưỡng này. Các chuyên gia đẩy dự báo giá vàng trung bình lên mức 2.700-2.750 USD/ounce trong năm 2025.
Trong phiên giao dịch 29/8, trên thị trường New York (rạng sáng 30/8 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay có lúc lên 2.527 USD/ounce.
Khoảng hơn một tuần trước, trên Kitco, Sabrin Chowdhury, Trưởng bộ phận phân tích hàng hóa của BMI, cho rằng vàng đang là kênh trú bão an toàn. Giá vàng sẽ còn tiếp tục lập kỷ lục cao mới trong năm 2024.
Trung Quốc và Ấn Độ là 2 "tay chơi" lớn trên thị trường vàng quốc tế. Nguồn: WGC
Theo Sabrin Chowdhury, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất (thị trường đánh cược 100% khả năng trong cuộc họp tháng 9), giá vàng sẽ lên mức 2.700 USD/ounce (tương đương 82 triệu đồng/lượng).
Các chuyên gia đến từ Citi nhận định, vàng đang trong xu hướng đi lên trong 3-6 tháng tới. Vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce trong năm 2025. Mức giá bình quân vàng giao ngay trong quý IV/2024 là 2.550 USD/ounce.
Chuyên gia đến từ BMI cho rằng, năm 2024 ghi nhận nhiều bất ổn đến từ những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, Ukraine - Nga và có nhiều cuộc bầu cử quan trọng, trong đó có cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tại Mỹ.
Giá vàng được dự báo sẽ tăng tiếp, theo những diễn biến “bồ câu” hơn về chính sách tiền tệ của Fed. Lãi suất thấp hơn sẽ gây áp lực lên đồng USD. Đồng tiền của Mỹ sẽ giảm giá.
Trên Kitco, các chuyên gia đến từ Capital Economics cho rằng, hoạt động mua vàng của Trung Quốc sẽ đẩy giá vàng leo thang trong thập kỷ tới, dù đã tăng khoảng 20% kể từ đầu năm tới nay và Trung Quốc ngừng mua ròng vàng 3 tháng liên tiếp.
Các nhà phân tích tại Capital Economics nhận định, việc tạm dừng tích trữ vàng chỉ là tạm thời vì "cơn sốt vàng của Trung Quốc vẫn còn tiếp diễn" trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng, bất ổn kinh tế và những nỗ lực liên tục nhằm thoát khỏi đồng USD.
Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã có 18 tháng mua ròng vàng liên tiếp ở mức giá thấp. Đây được xem là yếu tố quan trọng đẩy giá mặt hàng kim loại này lên dồn dập từ cuối năm 2023.
Theo Capital Economics, trong thời gian tới, nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ còn tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong thập kỷ này. Điều này sẽ gây áp lực tăng giá vàng và có thể là nguồn cơn dẫn tới những biến động lớn hơn trên thị trường vàng trong những năm tới.
Động lực chính kéo vàng đi lên: Vẫn là Trung Quốc?
Không chỉ PBoC tăng cường mua vàng, trên thực tế, nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cũng tăng lên trước đại dịch.
Tỷ trọng vàng trong tổng tài sản dự trữ quốc gia của Trung Quốc còn khá thấp. Nguồn: CE
Hơn thế, nhu cầu tăng đột biến đối với các tài sản vàng phi vật chất như chứng chỉ các quỹ ETF vàng và các hợp đồng tương lai đối với mặt hàng vàng dường như đã tiếp thêm nhiên liệu cho cơn sốt vàng ở Trung Quốc.
Loại nhu cầu này chiếm một phần nhỏ hơn nhiều trong tổng nhu cầu vàng (với tất cả hình thức) ở Trung Quốc so với phương Tây, nhưng mức độ dòng tiền chảy vào các quỹ ETF có trụ sở tại Trung Quốc, đã bù đắp cho dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ ETF có trụ sở tại Bắc Mỹ như trong đợt tăng giá từ tháng 2-4.
Dù dự báo Trung Quốc sẽ đẩy mạnh mua vàng trong cả thập kỷ tới nhưng theo các chuyên gia Capital Economics, trong ngắn hạn PBoC có thể tiếp tục ngừng mua vàng để chờ giá vàng điều chỉnh từ các đỉnh cao kỷ lục được lập trong thời gian gần đây.
Giá vàng cao khiến nhu cầu vàng trang sức giảm, thị trường chứng khoán Trung Quốc suy giảm sâu và khi hồi phục trở lại sẽ hút dòng tiền… Cùng với áp lực chốt lời, tất cả đang gây áp lực ngăn đà tăng giá vàng.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là ngắn hạn. Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ suy yếu đáng kể, chủ yếu do những tổn thất từ khủng hoảng trên thị trường bất động sản nước này.
Trong dài hạn, nhu cầu vàng của Trung Quốc dự báo sẽ tăng mạnh và tạo áp lực tăng giá đáng kể trong những năm còn lại của thập kỷ. Trung Quốc sẽ khó trì hoãn lâu các biện pháp kích thích kinh tế. Khi tiền được bơm ra, vàng sẽ là một kênh trú bão an toàn.
Tỷ trọng nắm giữ vàng của một số nước.
Một điều đáng chú ý là tỷ lệ vàng PBoC nắm giữ trong tổng tài sản dự trữ quốc gia của Trung Quốc khá thấp, chỉ khoảng 4,9%, trong khi nước này đang thực hiện chiến lược giảm phụ thuộc vào đồng USD. Nếu đưa tỷ lệ nắm giữ vàng lên 10%, Trung Quốc sẽ phải nhập thêm khoảng 2.250 tấn vàng, tương đương khoảng 170 tỷ USD.
Nếu Trung Quốc nhập thêm số vàng nói trên trong 10 năm, PBoC sẽ mua mua 225 tấn/năm. Trong năm 2023, PBoC cũng đã mua ròng 225 tấn vàng và đây mức nhiều nhất trong ít nhất 46 năm. Cú mua ròng mạnh của PBoC trong năm 2023 được cho là nguyên nhân chính dẫn tới giá vàng liên tục tăng và lập nhiều kỷ lục mới từ cuối năm 2023 cho tới nay.
viết bình luận của bạn